Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Mong có thêm nghề, thêm việc

Là xã thuần nông, nhưng sản xuất nông nghiệp ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn rất chật vật. Thiếu việc làm, lao động trên địa bàn xã phải lăn lội với nhiều nghề để mưu sinh…

Muôn nẻo mưu sinh

Vụ đông năm nay, nhiều hộ ở Kim Quan bỏ ruộng bởi còn đợi địa phương dồn điền, đổi thửa nên con số lao động trong độ tuổi, có sức khỏe nhưng thiếu việc làm ngày càng nhiều thêm. Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Quan phân trần: Ở Kim Quan, đại đa số hộ gia đình chỉ thuần túy làm ruộng nhưng diện tích canh tác lại hạn chế, mỗi khẩu chỉ chưa đầy một sào. Năm nay, năng suất lúa cả hai vụ xuân và mùa đều giảm sút, tính trung bình chỉ đạt 40-45 tạ/ha, nếu tính công sức bỏ ra chăm sóc và đầu tư giống, công cày bừa… thì coi như lỗ vốn. Đời sống người dân đã khó lại càng khó hơn. Hầu hết thanh niên trong độ tuổi lao động phải rời làng đi làm thuê tại các làng nghề lân cận như Phùng Xá, Hữu Bằng...

Học viên tại lớp đào tạo nghề dạy sửa chữa điện thoại ở xã Kim Quan.

Anh Lê Hữu Phước, nhà ở thôn 7, gia đình có 10 khẩu ăn hiện đang canh tác 7 sào ruộng, cho biết: "Thời gian nông nhàn, bản thân tôi làm thêm nghề mộc để có thêm thu nhập nhưng hiện bố, mẹ và cả vợ tôi đang rất cần làm thêm mà vẫn chưa tìm được việc gì phù hợp". Gia đình anh Đỗ Mạnh Tuấn ở thôn 10 cũng trong hoàn cảnh tương tự. "Nhà có 6 khẩu ăn, hiện đang canh tác 6 sào ruộng, thời gian nông nhàn thì xuống làng nghề Hữu Bằng ở xã bên để làm mộc thuê. Tuy nhiên, việc không đều, mỗi tháng chỉ làm được 10-20 ngày công, còn lại chơi không" - Anh Tuấn than phiền.

Theo Chủ tịch UBND xã Kim Quan Đỗ Văn Hậu, xã có 11 thôn với khoảng 8.000 nhân khẩu. Ngoài vài chục hộ ở các thôn 2, 3, 5 có nghề sản xuất gạch đá ong truyền thống và khoảng trên 100 hộ dân khác có nghề làm mộc, còn lại chủ yếu trông vào nông nghiệp. Hiện lao động thiếu việc làm trên địa bàn xã lên tới 2.000 người.

"Cấy nghề" về làng

Thiếu việc làm, những lớp học nghề cho lao động nông thôn được mở ra đã thu hút được sự quan tâm của người dân. Chúng tôi có mặt ở Kim Quan khi lớp học hàn đang diễn ra tại Nhà văn hóa thôn 5, chứng kiến hàng chục học viên đang chăm chú với tiết thực hành. Tham gia lớp học, mỗi người đều mang trong mình một dự định cho tương lai: Người học nghề để đi xuất khẩu lao động, người muốn có nghề trong tay để đi xin việc tại các xưởng sản xuất cơ kim khí trên địa bàn, có người lại mong có nghề để mở cơ sở sản xuất tại gia đình... Mỗi người một ước mơ, tuy nhỏ song nếu thành hiện thực sẽ giúp những gia đình ở vùng nông thôn có công ăn việc làm và thu nhập ổn định hơn so với chỉ nông nghiệp thuần túy vốn nhọc nhằn và thu nhập thấp. Chủ tịch Hội Nông dân xã Cấn Xuân Tuyển cho biết, theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội Nông dân xã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo tổ chức lớp học nghề cơ, kim khí với 32 học viên tham gia. Lớp học đã khai giảng được 2 tháng, chỉ còn một tháng nữa là hoàn thành, đây lại là thời gian thực hành nhiều nên học viên rất háo hức. Sau khóa học, nếu đạt yêu cầu, học viên sẽ được cấp thẻ nghề" - Ông Tuyển cho biết. Trước đó, cũng trong chương trình này, xã Kim Quan đã tổ chức dạy nghề mây giang đan cho 30 học viên. Đến nay, nghề đã mở rộng ra 50 hộ gia đình trong xã. Tuy mức thu nhập từ nghề này còn hạn chế, chỉ với 50-60 nghìn đồng/ngày/người song với nhiều gia đình đã góp phần giúp bữa ăn bớt đi phần đạm bạc.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Thất cho biết, tại xã Kim Quan, việc dạy nghề mây giang đan đã có liên kết với các cơ sở sản xuất tại xã Thạch Xá. Người học nghề sẽ được cung cấp nguyên liệu, mẫu mã và được thu mua toàn bộ sản phẩm nên yên tâm theo nghề... Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song một số nghề mới đưa về Kim Quan đã tạo nên những tín hiệu vui, giúp người nông dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét